Bây giờ nỗi lo lắng trong tôi cũng bị tăng theo với cảm giác nực nội, khó chịu vì ánh đèn vàng vọt.
Tôi ngồi bên cạnh bàn nhớ đến anh Cả tôi, nhớ những câu chuyện anh kể mỗi khi về thăm cơ xưởng, nhớ ngày anh được làm lễ rửa tội đầu tiên… Tôi hình dung chiếc áo dòng của anh phất phơ khi bước gần cái hồ nước trong vườn.
Tôi nhìn lên bàn ăn còn mấy cái vỏ chuối, cha tôi để quyển sổ nhỏ gần đó, miệng lầm bầm tính toán.
Tôi buồn quá, đến tựa cửa nhìn bâng quơ vào bóng đêm, nghe tiếng cười nói ở những nhà bên cạnh, tiếng súng xa xa vang lại – chắc của một đồn bót nào đó – và tôi lại nhớ đến anh Cả tôi.
Tôi nhớ hồi tôi mới 5, 6 tuổi gì đó, anh Cả tôi học lớp Nhất nội trú nên thỉnh thoảng mới được về thăm nhà. Mỗi lần như vậy, tôi mừng lắm, còn mẹ tôi thì lo cho anh ăn những bữa ăn đặc biệt hơn thường lệ như muốn để đền bù những bữa ăn tập thể trong trường.
Có một lần, mẹ tôi chiên một con cá lóc, món mà anh Cả tôi thích nhất, nhưng vì nhà đông người, và vì mẹ tôi tiết kiệm nên chiên xong bà lại đem dằm mắm để ăn được đủ bữa, thế là anh Cả tôi không nuốt nổi và mẹ tôi ân hận. Về sau, bà thường đem chuyện này nói với chúng tôi như một huyền thoại thú vị nhất.
Anh Cả tôi lại có cái biệt tài vẽ chân dung, nhưng không phải truyền thần mà chỉ vẻ rập theo mẫu có sẵn. Anh vẽ các danh nhân và vẽ thật nhiều để cho bà con hàng xóm dán lên vách như những bức tranh trang trí.
Đôi khi, anh nổi hứng đòi vẽ cả tôi và anh Giác, nhưng vẽ xong tôi lại thấy giống mấy thằng bé in ngoài những tập vở 50 trang, 100 trang. Thì ra anh ấy bắt chước những hình vẽ ấy. Ấy vậy mà tôi phục anh vô cùng. Tôi cất cái hình ấy như người lớn cất chiếc ảnh kỷ niệm.
Đứng trước anh, lúc nào tôi cũng thấy như đứng trước một kẻ học rộng, tài cao. Tôi không biết anh bắt chước ai mà mỗi lần nghỉ hè anh thường cặm cụi làm những bản in bằng nước cơm. Anh viết chữ ngược trên miếng giấy dày để thoa nước cơm, đoạn dùng một miếng giấy mỏng dán với miếng giấy dày ấy rồi gỡ ra, thế là anh có một bản in bằng nước cơm.
Ngoài ra, anh còn sáng tác nhạc và sáng tác một cách rất kỳ cục, bằng cách trở ngược bản của các nhạc sĩ để chép, thành thử bản nhạc ở các nhạc sĩ ghi nốt đồ thì ở bản nhạc anh thành nốt lá, nốt rề thành nốt sốn, nốt mi thành nốt phá, nốt pha thành nốt mí, nốt sôn thành nốt rế, nốt la thành nốt đố v.v… Và anh tự soạn lời nghe cũng du dương lắm…
Do đó, nhiều lúc tôi nghĩ, anh đi tu có lẽ không hợp với năng khiếu của anh.
Và chuyện mà mỗi lần nhớ lại, không thể nào nhịn cười được là hồi đó cha tôi có nuôi một con bò để lấy sữa, chưa kiếm được người chăn nên bắt chúng tôi chăn. Anh Cả, anh Giác và tôi đuổi bò ra cánh đồng gần nhà và mỗi lần như thế anh Cả thường bảo tụi mình như cái cảnh tam chiến Lữ Bố.
Lẽ dĩ nhiên, anh Giác và tôi chẳng hiểu anh ấy nói gì, đòi giải nghĩa, nhưng anh lại kể chuyện Tam Quốc, chúng tôi nghe khoái quá, quên cả chăn bò, để bò ăn lúa, bị chủ ruộng lấy nón, năn nỉ đến muốn lạy họ cũng không tha, sau phải nhờ đến cha tôi đứng ra can thiệp bằng cách bồi thường thiệt hại.
Thế là về nhà bị cha tôi rầy. Khổ nỗi, giống bò lại thích ăn lúa, chúng tôi sợ bị rầy, càng chăn giữ nó bao nhiêu thì nó tỏ ra cứng đầu bấy nhiêu. Hễ lơ đễnh một tí là nó chạy chỗ khác như tên tù lúc nào cũng sẵn sàng kiếm cách vượt ngục.
Và để đối phó với tình trạng này, anh Cả tôi ra lệnh cho chúng tôi triệt để im lặng theo dõi hành động của bò, nếu thấy bò ăn lúa thì bảo với anh bằng mật hiệu “Ăn” hoặc thấy nó sắp chạy thì bảo là “Chờ”.
Anh Cả tôi làm như bò có thể nghe tiếng người nên cẩn thận không tiết lộ sự theo dõi mà chúng tôi đã thực hiện đó. Ngược lại, con bò cũng không vừa, nó luôn luôn nhìn chúng tôi bằng cặp mắt thách thức và luôn luôn có hành động chờ chực phút sơ hở của chúng tôi.
Lẽ dĩ nhiên, đã là người ai lại chẳng có những sơ hở đáng tiếc, do đó, đối thủ của chúng tôi đã gây sóng gió không phải là ít y như một tên gián điệp đại tài, mỗi lần nó co giò chạy, chúng tôi đuổi theo đến hụt hơi và anh Cả tôi trở thành lực sĩ điền kinh nước rút Ma-ra-tông.
Anh vừa chạy vừa la “dò, dò”, tiếng bảo bò đứng lại, và nước mắt chảy trên má, mồ hôi chảy trên trán. Trong anh, chắc đang hậm hực một sự trả thù ghê gớm nếu bắt được nó, nhưng khi bắt được nó anh lại không còn sức nào để đánh đập, hành hạ ; tay chân anh rã rời như vừa qua một cơn bệnh nặng và trái tim như muốn nhảy tung ra ngoài.
- Này, tao nói cho mày biết… Anh Cả tôi hào hển vừa thở, vừa nói với con bò… Hà, hà ! Tao đã có cách trị mày rồi. Tao sẽ đeo tróng vào cổ mày.
- Tróng là cái gì anh ? Tôi hỏi.
- Mày hỏi làm gì ? Anh quát chúng tôi. Chúng mày chẳng được cái tích sự gì cả.
Tôi quay sang anh Giác thầm thì :
- Đúng là giận cá chém thớt.
- Mày hỗn đấy hả Lênh Đênh ?
Tôi chối, tôi hy vọng anh chạy đến bùng tai nên chưa nghe gì hết.
- Dạ, đâu có ! Tụi em bàn về cái tróng mà !
- Có cái tróng mà cũng không biết. Anh Cả tôi vẫn lớn tiếng như cố giữ cái phong độ giận dữ chưa nguôi dù có thể là anh đã thấy sự lố bịch khi đối phó với hành động một con bò. Anh tiếp : cái tróng là cái cây buộc tòn teng dưới cổ để nó vướng chân.
Định nghĩa ấy làm tôi bật cười thành tiếng. Có thế mà cũng la lối um sùm, tôi nghĩ, rõ ràng là chúng tôi thua một thằng chăn bò ở nhà quê, có nhiều đứa coi sóc cả một đàn bò năm sáu con vừa bò đực, bò cái, bò con…
Nhưng anh Cả tôi nghe cười lại đâm tức, sẵn cầm roi trong tay anh quất tôi rồi quất luôn cả anh Giác, và hôm đó về nhà tất cả chúng tôi đều bị mắng là đồ ngu.
Về sau, kỷ niệm ấy được nhắc lại, anh Cả tôi cười hì hì để che dấu sự ngượng ngập và điều mà anh ngượng nhất có lẽ khi nhớ đến mỗi lần bò phóng qua một con mương nhỏ, anh phải cổi quần lội qua vì anh bấy giờ không đủ sức phóng như bò. Lúc ấy trông anh vừa thảm hại vừa buồn cười như thằng hề đánh rơi xiêm y.
Tự nhiên, tôi thấy tiếc đời anh phải đi tu quá sớm. Giá anh còn chung sống với chúng tôi chắc sẽ còn nhiều kỷ niệm vui vẻ, êm đềm. Tôi không hiểu cha mẹ tôi có nghĩ như thế không, hay chỉ biết đó cũng là một cách chọn tương lai cho con và anh Cả tôi đã chấp nhận như số phận một món đồ chịu sự đặt để của cha mẹ.
Trường hợp này, nếu là tôi, tôi sẽ phản đối vì tôi thích tự do, nhất là tự do tư tưởng. Tôi nhớ trong một quyển sách nào đó có nói : Trong các quyền tự do mà con người được hưởng thì quyền tự do tư tưởng lại không có mấy ai sử dụng đến !
Thực vậy, người ta đã chạy theo những đòi hỏi phù phiếm và bỏ quên giá trị thực tiễn về bản chất con người ; cũng như những quan niệm và định thức cho nếp sống được đặt ra mỗi ngày mỗi đi xa cái tính vốn thiện. Do đó, tôi muốn làm một đứa trẻ muôn đời.
Truyện Hoàng Dung, truyện dịch, truyện chữ... nơi bạn đọc những truyện chất lượng nhất. Đọc truyện là thỏa sức đam mê.
Đăng nhập để bình luận