Bà thường nói hết cơn bĩ cực thì phải tới tuần thái lai chớ ? Tôi biết khi bà nói vậy chắc là để tự an ủi thật dù đôi khi cảnh sống huy hoàng ngày xưa cũng thường gây tiếc nhớ. Và trong nỗi tiếc nhớ ấy, hình ảnh cha tôi vẫn là đầu đề làm mọi người lo lắng, băn khoăn không nguôi.
Lâu quá rồi, chúng tôi không được tin tức gì về ông cả nên mặc nhiên phải sống cái cảnh mẹ góa, con côi từ ngày này qua ngày khác như những kẻ bất hạnh. Tôi cũng biết là lúc bấy giờ, tuy không nói ra, nhưng ai cũng nghĩ rằng có thể cha tôi đã chết nên mẹ tôi bắt đầu lo kiếm cách cho tôi tiếp tục việc học.
- Phải học thêm mới được, con ạ ! Bà nói với tôi. Thời đại này mà học hành không ra gì là đừng hòng kiếm được việc làm đủ sống, trừ khi mình có một sức vóc để làm lao công. Bà nhìn tôi mỉm cười. Cái tướng như cây tăm của mày ấy đi ở đợ chưa chắc đã được…
Thế rồi, bà quyết gởi tôi về Sàigòn vì bà được tin chú ba Tiết đã lập nghiệp trên ấy.
- Con không ưa chú ấy đâu. Tôi nói với bà.
- Tại sao vậy ? Giọng bà dịu dàng. Chú cũng như cha chứ, đừng nghĩ dại con. Chú có hay rầy cũng vì muốn con nên người…
- Nhưng mà… cha cũng không ưa chú ấy kia mà.
- Tại cha con khó tính đấy. Vả lại, con lên trên ấy cũng chỉ ở trọ ăn nhờ ngày hai bữa cơm chứ đâu phải nhờ vả hoàn toàn ở chú ấy mà sợ.
- Thế còn anh Giác thì sao ?
- Anh Giác con hả ? Ừ, mẹ cũng đang nghĩ làm thế nào cho nó tiếp tục học chớ đời bây giờ có cái bằng Tiểu học như nó cũng như không. Mẹ tôi có vẻ đau khổ khi nói như vậy. Tôi cũng biết chuyện lo cho chúng tôi ăn học thành tài là cả một vấn đề quá sức mẹ tôi. Đêm đêm tôi thường nghe mẹ tôi thở dài và hằng ngày trông bà lúc nào cũng trầm tư mặc tưởng. Tội nghiệp, dù sao bà cũng chỉ là một người đàn bà nghèo nàn và yếu đuối.
Hôm tôi đi Sàigòn, bà dúi vào tay tôi năm trăm bạc :
- Hãy giữ lấy mà tiêu – bà nói – Con nhớ là đừng xin tiền chú ba Tiết. Mình đã làm phiền chuyện ăn, ở nhờ rồi…
- Mẹ tin đi, con chẳng bao giờ làm thế. Tôi nói để bà yên tâm. Vả nữa tôi cũng không mấy phục chú ấy. Chú ấy là đàn ông mà lắm lời như đàn bà. Tôi định bụng là sẽ cố nhịn nhục tất cả và chỉ lo chăm học để mẹ tôi vui lòng. Nhưng đúng là trên đời có nhiều cái bất ngờ kỳ lạ, tôi ở học Sàigòn chưa đầy một tháng thì một hôm đang cắp sách đến trường bỗng gặp cha tôi đang đạp xích lô. Nới đầu, nhìn ông, tôi không dám gọi ngay vì sợ lầm, sau nhìn kỹ, tôi đánh bạo :
- Cha ! Cha ! Nhưng ông vẫn không nghe. Tôi chắc là ông không thấy tôi đi trong đám học trò loi choi này và nghĩ gọi “cha” thì làm sao ông biết là gọi ông.
Cuối cùng, tôi đâm liều, vừa chạy vừa gọi :
- Ông Xếp ! Ông Xếp !
Cha tôi giựt mình, thắng xe, ngoái cổ lại rồi nhảy xuống đường, chạy đến ôm cứng tôi vào lòng :
- Trời ơi ! Con ! Ha… Ha ! Con của tôi đây rồi ! Con của tôi đây rồi !
Và hôm đó, tôi bỏ học. Ông bảo tôi lên xe để ông đạp về nhà nhưng không phải nhà của ông mà là nhà của một người đánh xe ngựa cho ông ở trọ.
Ông cười sặc sụa :
- Con thấy chưa, đây không khác một lâu đài cổ kính !
Tôi hỏi :
- Sao cha phải khổ thế này ?
Ông lắc đầu :
- Chớ biết làm sao ? Nhưng đâu có khổ ? Con quên là sản nghiệp mình tiêu tan hết rồi sao ? Và ba đâu phải là dân thầy. Ông cũng nói là đã kiếm mẹ con chúng tôi suốt mấy tháng trời vẫn không ra tung tích. Người ta nói chết trôi cả rồi. Tụi mày chết thì tao sống với ai ? Ông cũng nghe nói là chú ba Tiết đã lên Sàigòn mở tiệm giặt đồ lính ngoại quốc. Lạ nhỉ, nghề ấy mà cũng giàu to. Ông nội con còn sống chắc là ngạc nhiên thấy chú ấy trở thành người giặt quần, giặt áo và nếu ngờ vậy ông đã không cho chú ấy đi học làm gì. Nhưng hiện cha cũng chưa biết chú ấy ở đâu. Sàigòn này kiếm nhà mà không có địa chỉ thì làm sao kiếm được… Ông nói lung tung. Ông nói như một người điên, nhớ đâu nói đấy và kết luận làm tôi ngơ ngác :
- Chiến tranh vô lý như thế đấy, con ạ ! Được rồi, cha sẽ đem mẹ con lên Sàigòn, sẽ tính chuyện làm ăn lại… Có thể cả nhà mình đi hốt rác, lượm ve chai, đi ở đợ, đi đánh giày. Rồi ông khóc, lần đầu tiên ông khóc dễ dàng như thế và tiếng khóc hu hu như trẻ con.
Tôi nghĩ bụng : Không khéo cha tôi điên mất… Mà thật, ông đã điên thật.
Người đánh xe ngựa hỏi tôi :
- Cậu là con của lão khùng ấy hả ?
Và tôi cũng khóc.
- Ơ kìa, tại sao cậu lại khóc ?
Người đánh xe ngựa lại hỏi. Tôi nói thật đấy mà, có gì đâu mà buồn. Người đánh xe ngựa muốn an ủi tôi. Trông cha cậu ai cũng thương cả. Chắc cậu chưa hiểu vì sao tôi cho cha cậu ở trọ ?
Kể ra thì cái gì cũng có số trời định đoạt cả, may là cha cậu gặp tôi, không thì đã chết cái hôm ông ấy say bí tỉ, nằm gục bên lề đường. Hôm đó, chừng chín, mười giờ tối gì đó. Đánh xe về đến quãng đường vắng Lê Văn Duyệt – Lăng Ông tôi xuống xe đi tiểu thì bỗng nghe có tiếng rên hừ hừ vô đảo mắt tìm kiếm thì thấy ông ấy úp mặt dưới gốc cây, đến đỡ dậy tôi nghe mùi rượu nồng nực, nhưng hỏi không trả lời. Kiểu này mà bị trúng gió là chết, tôi nghĩ vậy.
Thế rồi, tôi dìu ông lên xe đưa về quán nước ở chợ Bà chiểu xin dầu thoa bóp, cho uống nước chanh để giải say và khi đã tỉnh, tôi hỏi nhà ông ở đâu, để kêu xe đưa về giùm. Ông lắc đầu : Tôi không có nhà. Tôi bị giặc bắt cả năm nay, bây giờ mới được thả nhưng thả mà làm gì, trong lúc tôi bị giặc bắt thì ở nhà vợ con tôi chết trôi trong trận lụt Châu Đốc… Ông vừa nói vừa sụt sùi.
Thấy tình cảnh ông, tôi động lòng. Vợ tôi cũng chết vì giặc trong một đêm chúng nó pháo kích vào ấp. Tôi khuyên ông đừng buồn và rủ về ở chung với tôi, nhưng ông vẫn buồn. Ông đi lang thang suốt ngày và miệng lúc nào cũng làu nhàu những câu vô nghĩa. Trong xóm cho ông là lão khùng. Tuy vậy, một đôi khi tỉnh táo ông nói chuyện đàng hoàng lắm. Ông nói là ông còn một đứa con cùng đi với ông hôm ông bị giặc bắt, không biết bây giờ ở đâu. Ông hy vọng sẽ gặp lại nó. Ông đi mướn xích lô đạp kiếm tiền sống qua ngày. Tôi có bảo ông nên kiếm việc khác làm sướng hơn, nhưng nhất định ông chỉ đạp xích lô. Người đánh xe ngựa thở dài. Thật tôi cũng không hiểu ông ấy ra sao nữa…
Nghe người đánh xe ngựa nói, nhìn lại cha tôi, chạy đến bên ông, tôi lay gọi : Cha ! Cha ! Cha hết bệnh rồi chớ? Mẹ con con còn sống cả mà… Nhưng ông vẫn gục đầu và vẫn khóc hu hu như một đứa trẻ.
Sàigòn 1967
VŨ DUY
Truyện Hoàng Dung, truyện dịch, truyện chữ... nơi bạn đọc những truyện chất lượng nhất. Đọc truyện là thỏa sức đam mê.
Đăng nhập để bình luận